Vài ngày qua, đã có 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam trong đó có 1 thai phụ khiến cộng đồng thật sự lo lắng. Để có thể tự phòng chống căn bệnh quái ác này, hãy cập nhật các thông tin mới nhất sau.
Virus Zika là gì ?
Zika là một loại virus lây truyền qua muỗi có cùng họ với virus sốt vàng da, siêu vi trùng West Nile, virus sốt xuất huyết. Zika hay còn gọi là "bệnh đầu nhỏ" do muỗi làm trung gian truyền bệnh, gây hậu quả cực kì nghiêm trọng cho thai nhi của người mắc bệnh với biểu hiện là đầu nhỏ bất thường, teo não làm kém phát triển trí tuệ.
Virus Zika tấn công cơ thể người thế nào?
Bởi vì virus Zika do muỗi lây truyền và được tìm thấy trong những loài muỗi gây các bệnh sốt xuất huyết, nên có thể ai đó sẽ nhầm tưởng là một dạng sốt xuất huyết. Nhưng không phải! Virus Zika lây nhiễm vào cơ thể người thông qua các vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti ở các vùng nhiệt đới mà chúng ta vẫn được biết đến với tên gọi là muỗi vằn. Đây cũng là loại muỗi gây nên các bệnh như sốt xuất huyết, sốt chikungunya hay sốt vàng da.
Làm cách nào để biết đã mắc virus Zika hay chưa?
Khi mắc Zika, cơ thể thường sẽ không có triệu chứng gì và rất khó để chẩn đoán.
Cho tới thời điểm hiện tại, virus Zika được xem là mối lo ngại do các triệu chứng thường không rõ ràng. Cứ 5 người mắc Zika thì chỉ 1 người có các triệu chứng như: sốt, phát ban, đau khớp, mắt đỏ. Vì thế, 80% trường hợp thường không đến ngay bệnh viện xử lý.
Tuy nhiên, khi cơ thể nó những triệu chứng như trên bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Sau đó gửi mẫu máu hoặc mô từ tuần đầu tiên nhiễm virus tới các phòng thí nghiệm được trang bị đủ phương tiện, giúp phát hiện Zika thông qua các xét nghiệm phân tử phức tạp.
Ảnh hưởng của bệnh nghiêm trọng như thế nào ?
Do đặc tính lây truyền nên bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng trên diện rộng gây khó kiểm soát trong thời điểm này tại Việt Nam. Hơn nữa, các triệu chứng của bệnh tương tự với biểu hiện bệnh sốt xuất huyết. Điều này khiến cho những người bị nhiễm virus Zika không biết được tình trạng thật sự của mình và rất có thể chẩn đoán nhầm thành sốt xuất huyết. Chính vì thế khiến kéo dài thời gian ủ bệnh gây đau đớn, biến chứng và khó khăn trong việc điều trị.
Virus Zika bị cho là nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu nhỏ. Bên cạnh đó, các hội chứng nhiễm sắc thể và rối loạn chuyển hóa thần kinh cũng liên quan đến dị tật này. Mức độ nguy hiểm của bệnh đầu nhỏ thay đổi tùy theo từng trường hợp. Thông thường trẻ sẽ bị chậm phát triển nhận thức, vận động và kỹ năng nói chuyện. Căn bệnh còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như làm biến dạng khuôn mặt, gây ra bệnh còi cọc. Tăng động, co giật và các vấn đề liên quan đến phối hợp, cân bằng cũng hay xuất hiện cùng bệnh đầu nhỏ.
Có vacxin tiêm phòng ngừa không?
Rất khó phòng ngừa nhiễm virus Zika nếu đang ở tại vùng có virus Zika. Hiện chưa có vacxin ngừa virus Zika. Tuy đã có các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra vacxin này nhưng còn mất nhiều năm cũng như chi phí hàng trăm triệu USD cho việc thử nghiệm. Và cũng chưa có cách nào để triệt để phòng trừ muỗi đốt, vì thế CDC đưa ra khuyến cáo phụ nữ có thai không nên đi đến vùng có virus Zika, và những phụ nữ dự định có thai thì nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi đi.
Mọi người có thể tự bảo vệ bằng cách nào?
- Mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt.
- Bôi thuốc chống côn trùng lên da theo chỉ dẫn. ( Gặp bác sĩ để chọn đúng loại thuốc để tránh kích ứng da )
- Loại bỏ các môi trường sinh sôi của muỗi, bọ gậy, phun thuốc diệt côn trùng xung quanh nơi ở định kì.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, sử dụng các loại màn chắn bằng lưới ở các cửa, dụng cụ bắt và ngăn muỗi vào nhà.
- Khi có nghi ngờ bị nhiễm bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước để tránh mất nước, dùng thuốc giảm sốt, đau và cần đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời.
- Tích cực tập thể dục thể thao với các bài tập vận động làm tăng sự dẻo dai, sức đề kháng để chống lại căn bệnh đầy hiểm họa này.
Pyn