Trong suốt quá trình sống và cống hiến, Bác Hồ không chỉ tìm hiểu về văn hóa thể chất phương Đông, phương Tây mà còn tự rèn luyện thể thao mỗi ngày. Một trong những câu nói nổi tiếng của Bác trong lời kêu gọi toàn dân ý thức về vấn đề sức khỏe đó chính là: “Mong đồng bao ta ai cũng gắng tập thể dục”.
Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Hồ Chủ tịch được đăng tải trên tờ Cứu quốc (Tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết) tháng 3/1946, Bác Hồ đã viết: “ Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”.Ý thức được tầm quan trọng cùa sức khỏe đến sức khỏe người dân, sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, khi Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập, Hồ Chủ Tịch thay mặt Chính phủ mới ký sắc lệnh số 38 (vào ngày 27/03/1946) về việc thành lập Nha Thanh niên và Thể dục gồm Phòng thanh niên Trung ương và Phòng thể dục Trung ương. Bác am hiểu sâu sắc và có lòng tin mãnh liệt vào phương pháp bảo vệ sức khoẻ bằng tập luyện thể dục thể thao (TDTT). Chẳng hạn, ở nước Nga, trong mùa Đông, Bác Hồ vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun... Bác Hồ cũng là người có thói quen ăn uống khoa học. Người thường tránh ăn quá no trong suốt quá trình rèn luyện thân thể vào buổi sáng. Vào buổi chiều Người đi làm vườn, cho đồng bào trong xóm... Theo lời các vị lão thành cách mạng, thời kỳ chuẩn bị Hội nghi Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 1941, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành thời gian tăng gia sản xuất cùng đồng bào, đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết tài liệu.
Lúc ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km. Đồng chí Vũ Kỳ kể rằng: Bác Hồ có kiểu tập nhảy “dậm chân tại chỗ” thật lạ và thú vị. Số là “Phòng Chủ tịch nước”- nơi làm việc của Bác cách các lán khác thường từ dăm chục mét đến ba bốn trăm mét. Đường đi lên lán hay xuống suối, đến nhà ăn đều được Bác cho đặt những rào chắn cao từ 10 - 15cm, mức cao nhất trên 40cm. Mỗi khi đi qua, Bác và mọi người phải chụm chân nhảy không được lấy đà. Tập sức bật tại chỗ như vậy giúp nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của Bác.
Cũng theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ: “Hồi đó mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km có hôm tăng lên tới 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg”. Là người quan tâm rất lớn đến nền TDTT nước nhà, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chủ tịch luôn dành thời gian theo dõi, chỉ đạo, chăm sóc phát triển ngành TDTT. Dù bận việc Nhà nước nhưng Bác luôn cố gắng có mặt tại các sự kiện thể thao trong nước. Đặc biệt, Bác luôn gặp mặt và động viên các VĐV thi đấu đạt thành tích tại các giải quốc tế (danh thủ Trần Oanh - bắn súng, Trần Hữu Chỉ - điền kinh, Vũ Thị Sen - bơi...).
Hồ Chủ Tịch căn dặn lớp vận động viên tiếp nối thế này: “Các cháu phải quyết tâm đạt thành tích cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những VĐV của dân tộc anh hùng”. Hòa trong không khí hào hùng nhân kỉ niệm quốc khánh 2/9, chúng ta càng thấm thía hơn lời Bác dạy: “Mong đồng bào ta ai cũng cố gắng tập thể dục”. Bởi bản thân Bác đã với cam kết không ngừng làm cuộc sống tốt đẹp hơn đã khẳng định rằng : "Tự tôi, ngày nào cũng tập".
Mia Trần (tổng hợp)