Dân tình đang sốt xình xịch khi ngắm nhìn Thu Minh trở lại vị trí giám khảo Vietnam Idol dù cách đây 3 tuần cô ấy mang thai rất… đồ sộ. Bí quyết nào để thon gọn như Thu Minh? Hãy cùng lắng nghe ý kiến của HLV Tiểu Phương, chuyên gia thay đổi hình thể ở TT California Fitness & Yoga.
Dinh dưỡng chiếm 80% thành công
Chế độ dinh dưỡng cho sản phụ phải đáp ứng được hai mục tiêu: vừa đủ sữa cho con để bé phát triển thể chất, phát triển trí não, hoàn thiện hệ miễn dịch, vừa giúp mẹ trở về cân nặng như trước khi mang bầu và đủ sữa nuôi con. Để có được vóc dáng như mong muốn, phụ nữ sau sinh phải theo đuổi chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế tinh bột, ăn đủ năng lượng và đủ các nhóm thực phẩm chứ không phải “ăn càng nhiều càng tốt”.
Và cần thay đổi một số quan điểm lâu nay của các bà mẹ chăm con trong vấn đề dinh dưỡng:
- Có quan điểm rằng, người mẹ sau khi sinh mất nhiều máu, ăn nhiều táo tàu, long nhãn có thể bổ máu. Long nhãn chứa nhiều dinh dưỡng như hợp chất đường gluco, đường scaroza và vitamin A, B, chất béo và hợp chất khoáng. Thành phần dinh dưỡng này cần thiết cho sự phát triển cơ thể, tuy nhiên, đây là thực phẩm có hợp chất đường cao, dễ gây thèm ăn, không tốt cho việc lấy lại vóc dáng thon gọn.
Có thể thay bằng các thực phẩm khác có tác dụng bổ máu sau khi sinh. Cà rốt chứa nhiều vitamin B, C, và đặc biệt là beta caroten- chất làm lành mạnh hoá hệ miễn dịch. Rau cải bó xôi cũng là thực phẩm bổ máu, chứa nhiều omega3, tốt cho mắt.
- Một số người cho rằng thời gian ở cữ người mẹ dễ nhiễm lạnh, không thích hợp ăn hoa quả, dễ làm tổn thương đường ruột. Thực ra, hoa quả chứa nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng tốt cho cơ thể, đặc biệt nếu muốn giảm cân sau sinh, cần ăn thêm hoa quả để bổ sung chất xơ, vitamin C.... Ngoại trừ sau khi sinh 3 – 4 ngày không được ăn hoa quả mang tính lạnh như lê, dưa hấu; thời gian ở cữ mỗi ngày nên ăn các loại quả nho, cam, táo, chuối, đu đủ, lê, bơ, mít...
Sau khi sinh bao lâu thì tập luyện được?
Tùy từng trường hợp sinh thường, sinh mổ hay bị cắt tầng sinh môn mà các sản phụ sẽ có thời điểm khởi động thân thể và tập luyện khác nhau.
Với phụ nữ sinh thường, sức khỏe tốt, từng tập luyện trong suốt thai kỳ, thì chỉ cần 10 ngày sau sinh là có thể thực hành một số bài tập thể dục nhẹ nhàng. Dù đang nằm trên giường hay ngồi trên ghế, bạn hãy cố tập thành thói quen vận động để tạo điều kiện cho cơ bắp được cứng cáp, khỏe mạnh hơn.
Nếu sinh mổ, thời gian bắt đầu tập luyện sẽ lâu hơn, thường là khoảng từ tháng thứ 2, tốt nhất nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để biết rõ thể trạng hậu phẫu để có phương pháp tập luyện đúng đắn.
Tập môn gì và tập bao lâu?
Thời gian tập thể dục nên bắt đầu tập khoảng 10 – 20 phút mỗi ngày, tùy thể trạng mà bạn tập nhiều hay ít, chú ý phải tập những động tác vừa phải, phù hợp với sức chịu đựng của bản thân. Trong 3 tháng đầu sau sinh, nên tập các động tác sau:
- Đi bộ nhẹ nhàng là vận động nên làm mỗi ngày.
- Các bài tập squats để lấy lại sự săn chắc của vùng mông, đùi.
- Gập bụng, bài tập giúp giải quyết vấn đề chảy xệ vùng eo sau sinh.
- Các tư thế yoga nhẹ nhàng cũng giúp cơ thể bắt nhịp với việc vận động sau sinh.
Từ 4 tháng trở đi, sản phụ có thể bắt đầu các bài tập nặng hơn như chạy bộ, đến phòng gym tập với máy, tham gia lớp dance fitness.
<h3 id="
Nhung_luuy: "> Những lưu ý:
- Để có sức khỏe và vóc dáng đẹp sau sinh, bạn cần tập luyện từ thời kỳ còn mang thai, hãy tập những bài tập dành cho phụ nữ mang thai để kiểm soát cân nặng của mình.
- Không quá nôn nóng hay tập quá sức. Nếu bạn đã không tập luyện hay vận động nhiều trong thai kỳ, thì đừng vì sức ép giảm cân sau sinh mà nhanh chóng lao vào tập luyện. Hãy tập dần dần, kiên trì.
- Chia nhỏ khoảng thời gian tập luyện trong ngày . Vừa trải qua kỳ thai nghén và sinh nở mất nhiều sức lực, nếu quá chăm luyện tập với cường độ cao, bạn sẽ dễ mất sức. Vì thế, chỉ nên tập 2 hoặc nhiều lần ngắn trong ngày thay vì tập 1 lần liên tục trong khoảng thời gian dài.
- Bảo vệ ngực khi tập luyện . Tránh các bài tập làm ngực bạn bị đau, mặc áo ngực thể thao khi tập luyện hay cho bé bú trước khi tập là cần thiết để bảo vệ ngực trong suốt quá trình luyện tập.
- Ngưng tập ngay khi có dấu hiệu bất thường. Tập thể dục gắng sức hoặc quá sớm có thể làm cho sản dịch tiết ra nhiều hơn. Nếu chảy máu đỏ với số lượng lớn, hoặc cảm thấy đau đớn, kiệt sức thay vì khỏe khoắn hơn thì cần ngưng tập và đến bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.
Snow Nguyễn (ghi)
Tư vấn: HLV Tiểu Phương- California Fitness & Yoga