logo

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thiền mang lại rất nhiều lợi ích toàn diện cho sức khỏe. Thiền đang ngày càng được xem như một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe. Dưới đây chỉ là một trong số những lợi ích của thiền định.

Tập trung

Học cách tập trung trong khi thiền chánh niệm có thể cải thiện khả năng tập trung của bạn trong công việc hàng ngày. Năm 2012, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên những người chưa bao giờ tiếp xúc với bộ môn này. Một trong số những người tham gia được hướng dẫn cách thiền chánh niệm trong 3 tiếng, và được yêu cầu thực hành thiền định 10 phút mỗi ngày trong vòng 16 tuần. Khi thực hiện các công việc đòi hỏi chú ý đến chi tiết, những người đã tập thiền định thể hiện tốt hơn những người không tập bộ môn này. Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần dành một ít thời gian tập thiền định cũng có thể tạo nên những thay đổi lớn trong não bộ, liên quan đến khả năng xử lý các công việc phức tạp.

Chế ngự cảm giác bất an và chứng trầm cảm

Vào năm 2014, trong một bài phân tích sau này, Goyal và những đồng sự của ông tại Johns Hopkins đã tìm ra rằng thiền chánh niệm cũng có tác dụng tương tự như thuốc chống suy nhược được dùng để chữa trị các triệu chứng trầm cảm.Trong một nghiên cứu năm 2014 được đăng trên tạp chí Social Cognitive and Affective Neuroscience, các nhà khảo cứu đã thực hiện kiểm tra trên 15 người tham gia chưa từng tiếp xúc với thiền định. Chỉ trong vòng 4 ngày tập thiền, những người tham gia đều cảm thấy cảm giác bất an giảm đi rõ rệt. Quan trọng hơn hết, thiền chánh niệm giúp giảm cảm giác lo lắng bằng cách cải thiện tâm trạng và tăng cường khả năng kiểm soát nhận thức của mỗi người.

Giảm stress

Nghiên cứu chỉ ra rằng luyện tập thiền không chỉ giúp giảm stress và lo lắng sau một quá trình dài, mà thiền còn giúp làm giảm stress ngay tức khắc. Trong một nghiên cứu năm 2013, Tiến sĩ Kirk Warren Brown – một nhà tâm lý học tại trường Đại học Cộng đồng Virginia tại Richmond, và những đồng nghiệp của ông cho biết những người thiền định thường tĩnh tâm hơn khi gặp những hình ảnh khó chịu so với những người trong nhóm đối chứng. Kết quả này cho thấy thiền chánh niệm sẽ thay đổi cách các trung tâm điều khiển cảm xúc stress trong não bộ được kích hoạt. Kết quả là, không những các khu vực này trong não hoạt động ít hơn khi bị kích thích, mà cả các phản ứng khi bị kích thích cũng dễ dàng được điều hòa hơn – ông Brown cho biết.

Làm dịu cơn đau

Trong một nghiên cứu năm 2011, nhà nghiên cứu Zeidan cùng các đồng sự của ông tại trường Đại học Wake Forest đã chỉ ra rằng chỉ sau 4 ngày luyện thiền chánh niệm, thực hành thiền khi đang đau đớn sẽ giúp giảm cảm giác khó chịu này hiệu quả đến 57%, và mức độ đau của người tham gia giảm đến 40%. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra các khu vực não có thể liên quan đến cảm giác đau đớn và cách điều chỉnh lại chúng thông qua thiền định. Bằng cách thay đổi cơn đau qua việc thay đổi kiểm soát nhận thức và điều chỉnh cảm xúc, thiền định có thể thay đổi cách chúng ta cảm nhận cơn đau (chẳng hạn như xem cơn đau như một cảm giác thoáng qua).

Tăng chất xám

 Nhiều nghiên cứu trong thập kỷ vừa qua cho thấy, bằng cách kích thích việc tăng cường lượng chất xám trong nhiều khu vực khác nhau của não bộ, thiền chánh niệm có thể giúp cải thiện việc học tập, tăng cường trí nhớ, và giúp điều hòa cảm xúc. Chẳng hạn như trong nghiên cứu năm 2011 được đăng trên tạp chí Psychiatry Research, các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp cắt lớp bộ não của những người tham gia, những người này không có hoặc hầu như rất ít khi luyện tập thiền chánh niệm. Sau đó, những người tham gia nghiên cứu hoàn thành một khóa học MBSR, và các nhà nghiên cứu một lần nữa tiến hành chụp cắt lớp não bộ. Kết quả cho thấy lượng chất xám của những người tham gia thiền định nhiều hơn hẳn những người khác.

Chống lại Alzheimer

Thiền chánh niệm có thể làm chậm quá trình thoái hóa của não bộ - là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer. Trong một nghiên cứu thí điểm được xuất bản năm 2013, bác sĩ y khoa Rebecca Erwin Wells tại Đại học Wake Forest và những đồng sự của bà cho biết, ở những người trưởng thành bị suy giảm nhận thức nhẹ (đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa việc suy giảm trí nhớ do tuổi tác và chứng mất trí), thì những người tham gia có luyện tập thiền chánh niệm ít bị suy giảm hay teo nhỏ tại vùng đồi hải mã – vùng não bị biến đổi trong các căn bệnh suy giảm hệ thần kinh như Alzheimer – so với nhóm đối chứng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vùng não được gọi là vùng kết nối mặc định – thực hiện những chức năng như mơ mộng và suy nghĩ về quá khứ và tương lai – của những người luyện tập thiền định thường có số lượng kết nối hoạt động của các dây thần kinh nhiều hơn hẳn so với những người không tập luyện. Vẫn cần thực hiện rất nhiều nghiên cứu nữa mới có thể đưa ra kết luận, nhưng những kết quả này thật đầy hứa hẹn – Erwin Wells cho hay.

Phòng ngừa cảm cúm

Thiền chánh niệm có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Trong một nghiên cứu năm 2012 của Annals of Family Medicine được thực hiện trên những người từ 50 tuổi trở lên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền định cũng mang lại hiệu quả tương tự như các bài tập thể dục để giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, bao gồm cảm lạnh và cảm cúm do thời tiết. Phát hiện này củng cố lập trường của các nghiên cứu trước đây, các nghiên cứu này chỉ ra rằng thiền chánh niệm có thể giúp chống lại bệnh tật bằng cách làm giảm stress, và từ đó giúp cải thiện hệ miễn dịch.

Xem thêm: cách giảm cân nhanh tại nhà, chế độ ăn kiêng giảm mỡ bụng, giảm mỡ bắp tay, tập cơ bụng tại nhà, hiit là gì, cardio là gì

BÀI VIẾT HỮU ÍCH