Theo nhiều trang thống kê uy tín, Việt Nam đang nằm trong top 5 nước có chiều cao thấp nhất thế giới.
Trang Telegraph căn cứ vào các nguồn dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau trên trang Averageheight.co cùng các thống kê khác để đưa ra bản đồ chiều cao người dân các nước trên thế giới.
Theo bản đồ này thì chiều cao trung bình của người dân Việt Nam nằm trong top 10 nước người dân thấp nhất thế giới, với vị trí thứ 4 (tính từ dưới lên) chiều cao trung bình của nam giới là 1,621m.
Dân Việt mãi lùn, vì đâu nên nỗi?
GS.TS. Dương Nghiệp Chí, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao chia sẻ: “ Tại Việt Nam, chế độ dinh dưỡng không tốt. Ngay cả người có tiền cũng không biết ăn uống thế nào cho hợp lý, đủ chất và đảm bảo sức khỏe. Yếu tố di truyền cải thiện chiều cao rất ít.
Theo tôi, lười vận động, ít tập thể dục cũng là nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt trong giáo dục, nhà trường không chú ý cho các cháu hoạt động thể thao ngoại khóa cho nên đa số học sinh không có hoạt động tập thể lực như các nước khác.”
Lười vận động, ít tập thể dục cũng là nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Nhật Bản, Singapore đua nhau cải thiện chiều cao
Nhật Bản
Ở Nhật, phong trào thể thao và các câu lạc bộ thể thao học đường rất mạnh, thanh niên được ăn uống tập luyện đầy đủ. Thanh niên Nhật cũng rất thích chơi thể thao và cao ráo, từ 1,7m trở lên, 1,8m cũng không phải quá hiếm. Về dinh dưỡng, ngoài sữa, các bà mẹ khi mang thai còn được khuyến khích tăng cường bổ sung canxi để đảm bảo cung cấp đủ canxi cho việc phát triển khung xương của trẻ cũng như phòng ngừa việc thiếu canxi cho cả mẹ và bé. Việc dùng thuốc bổ sung canxi này đối với trẻ được tiếp tục kéo dài từ khi ra đời đến lúc chiều cao không còn phát triển nữa, dưới sự theo dõi của bác sĩ. Những kiến thức về dinh dưỡng này được phổ biến rất rộng rãi.
Singapore
Tại Singapore, mọi người đều yêu thích vận động. Các trường học tại đảo quốc này cũng không vì thời gian học các môn văn hóa dày đặc mà bỏ hoặc cắt ngắn tiết học thể dục. Từ khi học mẫu giáo, mỗi ngày trẻ có 2 tiếng chơi ở ngoài trời. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen yêu thích vận động. Hơn nữa, độ tuổi từ sơ sinh đến 3 tuổi là lúc xương của trẻ tăng trưởng rất nhanh, tăng thời gian vận động hiệu quả là có thể thúc đẩy xương phát triển.
Ở độ tuổi tiểu học và trung học, mỗi tuần nhà trường sắp xếp 3 tiết thể dục, mỗi tiết dài 30 phút với các môn: bóng chuyền, bóng rổ, nhảy cao… Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức những nhóm thể thao theo sở thích cho học sinh để sau giờ học các nhóm này có thể cùng nhau vận động khoảng 2 tiếng trước khi về nhà. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia chỉ ra rằng, trẻ nên hoạt động nhiều hơn là ngồi một chỗ, bởi ngồi nhiều sẽ khiến chiều cao chậm phát triền.
Pyn Trần (tổng hợp)