logo

Nhầm lẫn "giảm" và "thấp" trên bao bì thực phẩm giảm cân

Đừng vội tin vào các thông điệp “giảm chất béo”, “giảm mỡ”, “giảm đường” trên thực phẩm bởi "giảm" chưa chắc đã là "thấp". Sữa đậu nành giảm natri có thể ít hơn 25% natri so với sữa đậu nành thông thường, nhưng đây vẫn là một sản phẩm có hàm lượng natri cao. Nếu cần giảm cân và lựa chọn thực phẩm phù hợp, hãy chú trọng vào việc đọc lượng calories trên 100g thực phẩm hơn là những lời hứa hẹn giảm cân, giảm mỡ phù phiếm.

Chỉ nhìn vào tổng khối lượng đường

Một sản phẩm chứa ít đường là hoàn toàn cần thiết đối với những phụ nữ đang giảm cân, nhưng đừng chỉ dừng lại ở đó. Tổng khối lượng đường là rất quan trọng, nhưng bạn cũng nên chú ý tới những thành phần cụ thể. Các loại đường fruitozo hay siro tự nhiên thường có chứa chất xơ và protein rất tốt cho cơ thể cũng như không quá ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Ngược lại, đường saccarozo là loại đường hóa học, khó phân giải trong cơ thể và dễ tích trữ thành mỡ thừa ở bụng.

Không đường chưa chắc sẽ giảm cân

Bạn có biết sự thật là chỉ cần sản phẩm có chứa ít hơn 0,5g đường cũng có thể xếp chúng vào thực phẩm không đường. Ngoài ra, thực phẩm giảm cân có 5 chất tạo ngọt sau đây vẫn được coi là không đường: saccharin, acesulfame, aspartame, neotame, và sucralose. Những chất làm ngọt này vẫn có khả năng tác động tới khẩu vị của chúng ta và gây tăng cân. Chưa kể, thực phẩm không đường không hẳn sẽ ít chất béo, chất béo cũng chứa 1 lượng calories lớn không kém cạnh gì đường và cũng gây tích nước tạo mỡ đấy.

Không chú ý khẩu phần sản phẩm

Bạn tự nhủ lòng sẽ chỉ ăn 1 túi bánh quy nhỏ chứa 200kcal. Tuy nhiên, nhiều lúc bạn quên mất rằng chúng bao gồm hai phần ăn. Vậy là thay vì 200kcal, bạn đã nạp đến 400kcal, gấp đôi những gì ghi trên nhãn thực phẩm mất rồi!

Mua tất cả những gì có hàm lượng calo thấp

Những thực phẩm có hàm lượng calo thấp nghe có vẻ vô cùng lý tưởng khi bạn đang cố gắng giảm cân bằng cách hạn chế lượng calo hấp thụ vào cơ thể. Nhưng vấn đề ở đây còn là chất lượng dinh dưỡng của chúng nữa. Hãy lựa chọn những loại thực phẩm giảm cân chưa qua chế biến để có được nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho mình. Sử dụng nhiều thực phẩm đã qua chế biến sẵn không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn gây ra ung thư.

Tìm kiếm thịt nạc hoàn toàn

Tiêu chuẩn cho một miếng thịt nạc của bạn là gì? Bạn sẽ rất khó tìm được một miếng thịt 100% nạc. Hãy chú ý tới những con số ghi trên bao bì, chúng sẽ nêu rõ cho bạn bao nhiêu phần trọng lượng bạn đang cầm là thịt nạc và mỡ. 85/15 – 85% nạc và 15% mỡ. Lượng mỡ càng thấp, miếng thịt của bạn sẽ càng nạc. 

Mua bánh mỳ làm từ ngũ cốc nguyên hạt

Hiện nay, chưa thực sự có một tiêu chuẩn để xác định khẩu phần ngũ cốc có trong bánh mỳ. Bạn có biết bánh mỳ với dòng chữ “được làm từ ngũ cốc nguyên hạt” vẫn có thể chứa bột tinh chế và chỉ một phần nhỏ ngũ cốc? Vì vậy, hãy chú ý xem thực phẩm bạn mua chứa 100% ngũ cốc nguyên hạt hay chỉ 10% ít ỏi. 

Vơ vét các thực phẩm mang mác "thiên nhiên"

Hiện nay, có rất nhiều nhà sản xuất sẽ sử dụng những từ hấp dẫn để lôi kéo bạn “làm từ thiên nhiên”, “nguyên chất” hoặc “100% tự nhiên”. Thực phẩm tự nhiên không chứa màu nhân tạo hoặc các chất phụ gia, nhưng chúng vẫn có thể có nhiều đường, natri hoặc chất béo. Hãy đọc toàn bộ thành phần dinh dưỡng để có được cái nhìn toàn diện về sản phẩm trước khi bạn mua bất kỳ thức ăn nào.

Mia Trần (tổng hợp)

BÀI VIẾT HỮU ÍCH