logo

Bạn có biết cách kiềm chế cơn đói? Hãy cẩn thận khi bị cơn đói “xỏ mũi” vì có khi nó chỉ là cuộc chọc ghẹo của tâm trí và dạ dày!

Đói: thật giả lẫn lộn

Ăn khi đói thật sự bạn mới chủ động điều chỉnh lượng thức ăn mình cần bởi cơ thể sẽ cho bạn biết khi nào vừa đủ no để dừng lại. Hơn nữa, chỉ khi đói thật sự, các món ăn mới trở nên thơm ngon và hấp dẫn trước mắt bạn, thôi thúc bạn cầm đũa. Ngược lại, ăn trong trạng thái “đói giả” sẽ gia tăng khả năng gây béo bụng, thừa cân. Vì thế, hãy thật lưu ý đến hiện tượng “đói giả” và tập các thói quen sau để luôn ăn đúng khi cơ thể cần thật sự:

cơn đói giả

Ảnh. Bạn có thường hay bị “đói giả”?

Ăn có suy nghĩ

Thay vì ăn điên cuồng mọi lúc cảm thấy “đói”, bạn cần lưu tâm và có định hướng hơn cho việc ăn của mình để định lượng chính xác bao nhiêu năng lượng sẽ nạp vào cơ thể, nhận ra từng loại thực phẩm khác nhau ảnh hưởng đến cơ thể bạn thế nào. Bằng cách này, bạn có thể nhận biết một cách bản năng các tín hiệu đói và no của cơ thể mình, từ đó, quản lý hiệu quả việc ăn uống mà không cần phải ăn kiêng hoặc quá phân vân trước một loại thức ăn nào đó sắp đưa vào miệng.

Tự hỏi “Có thật sự mình đang đói?”

Khi có cảm giác đói, đừng với ngay túi snack hoặc nháo nhào tìm kiến đồ ăn, nên dừng lại một chút và tự hỏi “Có thật sự mình đang đói?”. Câu hỏi này không nhằm quyết định bạn được phép chiều chuộng sự đòi ăn của cơ thể hay không mà mục đích để biết tại sao bạn muốn ăn lúc này. Một số tín hiệu cho thấy cơn đói thật sự đang hành hạ bạn: các cơn co bóp của bao tử, cồn cào ở ruột, cảm giác trống rỗng, khó tập trung, thậm chí hơi buồn nôn, choáng váng, đau đầu nhẹ, run rẩy, dễ bị kích thích hay cáu kỉnh. Đói giả chỉ là một ý nghĩ, ham muốn hay thòm thèm đến từ não bộ nhưng không có bất kỳ tín hiệu nào của sự thiếu năng lượng vừa kể.

con đói giả thịt nướng

Món thịt nướng này có hấp dẫn bạn không?

Xác định nguyên nhân gây đói

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi đồ ăn vô cùng phong phú và đa dạng, vì vậy, khá nhiều tình huống dẫn bạn rơi vào cảm giác “đói giả”. Nhìn thấy một món ăn hấp dẫn hoặc thấy ai đó đang thưởng thức nó có thể kích thích sự thèm ăn khiến bạn “đói giả”; làm việc căng thẳng, tress hay sau một khoảng thời gian tập trung vào màn hình tivi, máy tính, điện thoại, bạn cảm thấy “đói”, cần thưởng ngay cho mình một ly kem mát lạnh hay một túi bỏng ngô thơm lừng dù vừa mới ăn xong bữa cơm đầy ắp không đầy một - hai giờ trước đó. Khi sự thèm muốn không đến từ cơn đói thật sự, việc ăn không đáp ứng được gì cả cũng chẳng mang lại lợi ích tích cực nào. Hãy luôn suy nghĩ thật kỹ xem có phải bạn đang thật sự bị đói và cứng rắn nói không nếu đấy là “đói giả”. Đừng chiều chuộng bản thân nhất thời rồi sau đó phải cật lực o ép mình trong các chế độ kiêng khem, tập luyện khắc nghiệt. Chúc bạn luôn tỉnh táo và chiến thắng được cảm giác “đói giả” nhé!

Minh Phương (theo WOMEN’S HEALTH MAGAZINE)

BÀI VIẾT HỮU ÍCH