Không phải cha mẹ nào cũng nắm vững những kiến thức về chăm sóc con cái đúng cách. Nếu bạn can đảm và yêu thương con, hãy dành thì giờ chia sẻ bài viết này để hiểu rằng con bạn đang bị cà phê và nước tăng lực đầu độc như thế nào?
Nên dùng hay hạn chế cà phê?
Một cuộc khảo sát được thực hiện như sau: nhóm nhà nghiên cứu chia 53 trẻ em (độ tuổi 7 đến 17) thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 30 trẻ em, các em được phục vụ 5 loại thức uống chứa caffein mỗi ngày. Trong khi đó, nhóm thứ hai gồm 23 trẻ em. Nhóm này chỉ uống một loại thức uống chứa caffein mỗi ngày. Kết quả có được gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu. Nhóm thứ nhất với 30 em nhỏ được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, trong khi nhóm thứ hai hoàn toàn bình yên vô sự. “Chúng tôi không thể khẳng định điều gì về trường hợp này.”, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Không có một câu trả lời chắc chắn về câu hỏi, liệu caffein đóng bao nhiêu phần trăm để dẫn đến chứng trầm cảm, phiền muộn của các em nhỏ trên. Nhưng người ta biết, nhóm này đã tiêu thụ nhiều chất caffein hơn.
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng, hạn chế cho trẻ con dùng cà phê là tốt. Vì cà phê hay trà là những thức uống được khuyến cáo chứa nhiều caffein – loại chất kích thích sự tỉnh táo của tinh thần. Tuy nhiên, loại chất này xuất hiện trên hầu hết những thực phẩm mà trẻ em yêu thích: nước ngọt có ga (một lon Pepsi chứa 38 mg), trà đóng chai (60 mg trong một chai Lipton Pure Leaf), nước tăng lực (80 mg trong một lon Red Bull) và thậm chí là những viên chocolate ngọt ngào của Hershey (1 mg caffein trong mỗi viên kẹo).
Caffein là chất kích thích tinh thần, có mặt trong cà phê và lá trà tự nhiên. Bên cạnh tác dụng giúp tinh thần trở nên hưng phấn, caffein còn làm tăng nhịp tim và huyết áp, giúp bạn luôn tỉnh táo vượt qua cơn buồn ngủ. Tuy vậy, vì tính gây nghiện, nó nên được sử dụng một cách cẩn trọng, nhất là khi người sử dụng là trẻ em. Sử dụng không dư liều lượng caffein cho phép sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu lên hệ thần kinh, não bộ và hệ tim mạch của trẻ em. Đó là những cơ quan của cơ thể đang trong quá trình phát triển.
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Canada, một người trưởng thành được tiêu thụ 400 mg caffein một ngày (hoặc 300 mg đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú). Đối với trẻ em, khuyến nghị cũng ghi rõ. Trẻ em từ 4-6 tuổi được sử dụng 45 mg caffein/ngày, 62,5 mg/ngày đối với trẻ từ 7-9 tuổi và 85 mg/ngày với trẻ từ 10-12 tuổi. Đối với thanh thiếu niên, lượng caffein được phép tiêu thụ là 2,5 mg cho mỗi kilogram cân nặng.
Lựa chọn hôm nay, hiểm họa mai sau
Ngày nay, tầm quan trọng của học tập và thi cử được đề cao. Để vượt qua được lượng bài tập “xếp thành tầng”, nhiều học sinh đã lạm dụng việc uống các thức uống chứa caffein như cà phê, trà xanh đóng chai và nước tăng lực. Tác dụng tức thời của caffein hoạt động hiệu quả, giúp các em tỉnh táo để học tập. Tuy vậy, chính caffein cũng vô tình “đầu độc” các em sau một thời gian sử dụng. Khó ngủ, giấc ngủ nông, hay giật mình lúc đang ngủ là những biểu hiện mà các em thường gặp. Ai cũng biết rằng, giấc ngủ ở độ tuổi thiếu niên là hết sức cần thiết cho sự phát triển của trí não và thể chất. Chưa kể rằng, việc thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp và trí não kém sáng tạo.
Một số nhà khoa học cho rằng, trẻ em sử dụng nhiều nước tăng lực chứa caffein có nguy cơ sử dụng thêm các chất kích thích, gây nghiện trong tương lai. Chưa kể rằng, caffein còn ảnh hưởng mạnh mẽ lên hệ thần kinh của trẻ, khiến chúng khó kiềm chế những cảm xúc hãy còn non nớt. Chưa kể, việc tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm của caffein như nghiên cứu được nhắc đến phía trên cũng là hiểm họa mà phụ huynh cần lưu tâm.
Hãy dừng việc sử dụng các thức uống chứa caffein của con bạn. Dạy con những cách giúp tỉnh táo mà không cần lạm dụng loại chất gây nghiện ngắn hạn này: không nên thức sau 12 giờ, lập kế hoạch cho ngày mới, ăn uống đầy đủ dưỡng chất và tập luyện thể dục thể thao để tinh thần và thể chất luôn minh mẫn.
Neil (theo NZHereald)