logo

Đối với nhiều bậc cha mẹ, việc tập thể dục là vô cùng khó khăn vì vừa phải giải quyết việc công ty, vừa giải quyết việc nhà, lại vừa phải chăm con. Làm thế nào để vẹn cả đôi đường?

Tuy nghe có vẻ đầy thách thức, không kể tới việc liệu bạn có thể tập luyện được khi trẻ nhỏ đang vây quanh hay không nữa. Thế nhưng, bạn sẽ sớm nhận ra chính con trẻ lại là nguồn động lực tuyệt vời để duy trì các bài tập thể dục và chúng còn có thể trở thành những người bạn đồng hành khi tập luyện. Chìa khoá của vấn đề nằm ở sự sáng tạo, sự ứng phó linh hoạt và cách mà bạn thiết lập bài tập luyện thể dục để trẻ có thể tham gia. 

Từ 3 tuổi trở lên là trẻ đã có thể cùng bạn tham gia các bài tập thể dục. Tuỳ theo độ tuổi của con mà các động tác hoặc thể loại có thể khó hơn. Khi trẻ bắt đầu có thể chạy nhảy trên chính đôi chân của mình thì việc khiến cho chúng đứng yên một chỗ là vô cùng khó khăn. Thế nhưng bọn trẻ lại vô cùng thích thú với các động tác nhảy nhịp nhàng trên nền nhạc sôi động. Hãy thử chia nhỏ các bài tập của bạn thành các hiệp từ 5 đến 10 phút và đừng bỏ qua cơ hội cùng con “toát mồ hôi” cùng những điệu nhảy thú vị nhé.

Khi trẻ lớn hơn, vào khoảng từ 5 tuổi trở lên, chúng đã bắt đầu ý thức được việc tập thể dục là như thế nào và tại sao cần phải tập thể dục. Đến lúc biến việc tập luyện thành thói quen truyền thống của gia đình rồi đấy.

Ngoài các bài tập fitness như các động tác plank, squat, hít đất, bạn còn có thể dạy chúng yoga và một số động tác nhảy căn bản hoặc nâng cao tuỳ thuộc vào độ tiếp thu của con. Nếu trẻ hứng thú với các bài tập nâng tạ thì đừng ngại ngần, bạn vẫn có thể cho con tập nâng các loại tạ tay đơn giản tùy theo sức của trẻ nếu được hướng dẫn đúng cách và an toàn.

 Sau đây là một số bài tập thể dục đơn giản mà bạn có thể tập cùng con tại nhà:

Các bài tập fitness

Điều quan trọng nhất là để trẻ có được niềm vui. Nếu chúng vui thì chúng sẽ muốn tập tiếp. Với cách tập luyện lập lại động tác, chúng sẽ trông chờ việc đổi sang động tác tiếp theo. Không ai mà không chán khi phải làm lặp đi lặp lại một việc trong một khoảng thời gian dài. Và dĩ nhiên là chúng ta phải thêm một chút âm nhạc vào buổi tập. Âm nhạc luôn giúp những bài tập trở nên vui vẻ hơn.

1. Bài tập plank

Chống khuỷu tay xuống sàn, nâng và giữ thân người trên các ngón chân. Giữ lưng thẳng, siết chặt cơ bụng, giữ cơ thể trên một đường thẳng. Giữ tư thế đó càng lâu càng tốt, 30 giây là lý tưởng đối với trẻ con.

2. Bài tập squats

Chân đứng rộng bằng vai và gối hơi khuỵu như thể bạn đang chuẩn bị ngồi xuống. Hai tay duỗi thẳng về phía trước. Nhưng nhớ là giữ sao cho gối không vượt lên quá mũi chân.

3. Động tác chống đẩy hít đất

Bạn chắc hẳn đều biết động tác này. Nhưng hãy nhớ siết chặt cơ bụng, giữ lưng thẳng. Bạn có thể hít đất với chân thẳng trên đầu ngón chân hoặc muốn dễ hơn thì đặt gối xuống sàn và thực hiện động tác.

4. Động tác gập bụng

Ngồi và giữ lưng một góc 30 đến 45 độ so với sàn. Co gập ngực hướng về phía đầu gối. sau đó trở về tư thế ban đầu.

5. Gập người chữ V

Động tác này tương tự như động tác gập bụng nhưng tạo dáng theo hình chữ V. Duỗi tay qua khỏi đầu khi nằm trên sàn, sau đó nâng chân cùng với phần bụng dưới cùng lúc với việc duỗi tay cố gắng chạm tới chân theo hình chữ V. Quay trở lại tư thế ban đầu và lặp lại động tác.

Các tư thế Yoga

Yoga rất tốt cho trẻ em, giúp hình thành sự nhận thức về cơ thể, sự bình tĩnh, giúp thư giãn, tăng khả năng linh hoạt và sức mạnh, giúp tăng tuần hoàn máu và hệ thống trao đổi chất nói chung.

1. Thiền

Bắt đầu tư thế bằng việc ngồi ở tư thế đoá sen, ngón cái và ngón trỏ khép lại thành vòng tròn. Sau đó từ từ nhắm mắt lại đếm đồng thời di chuyển ngón tay. 1 là ngón cái và ngón trỏ; 2 là ngón cái với ngón giữa; 3 là ngón cái và ngón áp út; 4 là ngón cái và ngón út. Trẻ có thể lặp lại việc đếm kèm động tác.

 2. Tư thế yoga

Để vừa tập vừa chơi với trẻ, bạn có thể sử dụng thẻ yoga. Trên các thẻ này có hình của các tư thế yoga. Bạn có thể chọn ra 10 thẻ hoặc để trẻ tự chọn và để riêng ra một bên. Trên thẻ sẽ có phần giải thích cách thực hiện tư thế và tác dụng của tư thế đối với cơ thể. Thẻ còn có cả một vài câu hỏi để kích thích sự tư duy của trẻ trước khi và sau khi tập. Nhưng hãy nhớ sau khi hít vào bằng mũi, giữ lại 4 nhịp đếm rồi hẵng thở ra bằng mũi.

Các tư thế rất nhiều tên gọi khác nhau như tư thế cái cây, con bướm, máy bay, bông hoa… hãy để tâm hồn trẻ con trong bạn được nổi dậy một lần nữa, hãy để trí tưởng tượng bay xa bằng cách kể một câu chuyện về mỗi tư thế. Đó là cách tốt nhất để trẻ có thể giữ được tư thế trong khoảng thời gian nhất định.

Nhảy trên nền nhạc sôi động

Bản thân nhảy múa là một cách vận động rất hay. Các cơ có thể di chuyển, chuyển động. Endorphins được tiết ra giúp hưng phấn và là bài tập cardio cực kỳ thú vị. Đôi khi cả bạn và cơ thể của bạn đều khao khát được đắm chìm trong những điệu nhảy sôi động. Vì vậy, hãy kết hợp một chút các bài tập cardio vui và đơn giản vào trong các buổi tập luyện  để cảm nhận được năng lượng bùng nổ cùng với trẻ.

Nhảy múa cũng là một trong những bài vận động hiệu quả

Thật tuyệt vời khi cùng con tập luyện các bài tập thể dục, vừa tốt cho sức khỏe lại vừa có thêm những khoảnh khắc gắn bó cùng con đúng không nào? Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với những gì con bạn có thể làm đấy. Thế nên, hãy lên kế hoạch ngay lập tức cho lịch trình luyện tập để “mẹ dáng xinh, con khỏe mạnh” đi nào!

Phương Thảo (CALIPSO)

Xem thêm: CÁC BÀI TẬP CHÂN GIÚP BẠN TỰ TIN DIỆN MINI SKIRT MÙA HÈ

BÀI VIẾT HỮU ÍCH