Là bộ môn có tính đối kháng cao, khá tàn bạo với những cú đá mạnh, nhanh như cắt, việc bị chấn thương đã trở thành điều hiển nhiên với những người tập luyện Muay Thái. Hãy cùng các chuyên gia UFC Gym Việt Nam điểm qua 7 chấn thương phổ biến khi luyện tập bộ môn này để đề phòng những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
1. Chấn thương vùng đầu
Trong Muay Thái, 2 cánh tay luôn đặt cao hơn Boxing để che chắn vùng đầu, cằm bởi một khi trúng phải đòn "Head kick" (đá vào đầu) thì bạn đã nắm chắc phần thua cuộc. Vì đầu là nơi rất dễ bị tổn thương, không thể tập luyện được như tay, chân, chấn thương vùng này sẽ là chấn thương tồi tệ nhất. Sau khi luyện tập, thi đấu, nếu cảm thấy các cơn đau đầu kéo dài, hãy ngừng ngay việc luyện tập và tìm đến bác sĩ đến được kiểm tra toàn diện. Chấn thương đầu có thể gây đến tổn thương mạch máu não, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây tử vong.
Phòng tránh: Đừng bao giờ quên tư thể giơ hai tay lên cao bảo vệ vùng đầu khi chiến đấu và phải đặc biệt cẩn trọng với những đối thủ có nền tảng boxing tốt, những cú đấm "xẹt điện" hoặc các đòn đá cao. Cẩn thận và luôn đặt bản thân trong tâm thế "sẵn sàng chịu đòn" bởi không gì tồi tệ hơn bị dính đòn hiểm mà chưa kịp chuẩn bị trước.
2. Sưng - bong gân cổ chân, mu bàn chân
Đây là dạng chấn thương phổ biến nhất, ngay cả với các võ sĩ chuyên nghiệp. Hai nguyên nhân chính dẫn đến chấn thương này là chủ quan không mang bảo hộ chân (shin-guard) khi tập luyện và các đòn đánh bị chặn bởi cùi chỏ hoặc đầu gối của bạn tập. Khi bị sưng khu vực này, hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chỉ nên quay lại luyện tập khi đã điều trị dứt điểm để tránh bị chấn thương nặng hơn.
Cách phòng tránh : Nếu không phải tập luyện cường độ cao để thi đấu, luôn mang shin-guard (bảo hộ chân) khi tập luyện, kết hợp với ankle-guard (bọc cổ chân) để đem lại hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, cẩn thận khi sử dụng các đòn đá tầm thấp-trung, kiểm soát lực và góc độ ở mức độ an toàn nhất.
3. Sưng ống chân
Sưng ống chân là dạng chấn thương thường gặp nhất với ai bắt đầu tập luyện Muay Thái. Nếu chưa từng tập độ bền ống chân (shin conditioning), bạn sẽ phải chịu đau rất nhiều khi tập những cú đá (va phải cùi chỏ, ống chân, đầu gối … của bạn tập), đó chắc chắn là điều bắt buộc phải trải qua khi tập Muay. Thay vì điên cuồng luyện tập cường độ cao như tập đá vào các vật cứng như đá, gỗ, sắt, hãy tập đi bộ, chạy đường dài cho chân khỏe rồi sau đó mới bắt đầu tập với bao cát lớn, tập cùng bảo hộ chân rồi cuối cùng mới tháo bỏ hết tất cả để có cảm nhận thật nhất. Theo thời gian, đôi chân của bạn sẽ chai sạn dần với các va chạm và không còn đau hay dễ bị bầm như trước.
4. Đau cổ, đau vai
Đòn túm cổ, vịn gáy (clinch) trong Muay Thái có thể sẽ gây ra những cơ đau nhức khó chịu ở vùng cổ, vai gáy nếu bạn lười khởi động hoặc ít luyện tập các bài tập túm gáy. May mắn thay, chấn thương vai gáy không phải là chấn thương quá nghiêm trọng, những đau nhức có thể sẽ biến mất nếu nghỉ ngơi dưỡng sức trong 1 ngày.
Phòng tránh : Hãy khởi động kĩ vùng đầu với các động tác gập cổ, tập kết hợp với tạ ấm (kettlebell). Ngoài ra khi tập clinch, hãy tránh các đòn túm cổ và tập các động tác xoay trở để thoát khỏi các tư thế bất lợi như full clinch, inside grips…
5. Bong gân cổ tay
Mỏng manh và dễ bị tổn thương nhất, cổ tay là nơi yếu nhất để chịu các va chạm trực tiếp khi sử dụng đòn đấm. Bong gân cổ tay thường xảy ra khi tập với bao cát lớn, bạn tung đòn đấm với lực mạnh và góc độ không phù hợp, cổ tay sẽ bị trật ra khỏi vị trí an toàn và cơn đau sẽ bắt đầu.
Cũng như cổ chân, hãy dừng việc tập luyện và sử dụng nẹp cổ tay để tránh các cử động mạnh, không tập luyện tới khi chấn thương biến mất hoàn toàn.
Phòng tránh : Khởi động cổ tay thật kĩ trước khi đấm bao cát hay luyệ tập. Sử dụng các loại găng với phần đệm cổ tay chắc chắn, kết hợp với băng quấn (bandage) mang lại sự bảo vệ toàn diện nhất. Tránh đấm bừa bãi, hãy chú ý tới góc độ và lực mọi lúc bạn sử dụng chúng.
6. Chấn thương cùi chỏ
Cùi chỏ là lá chắn duy nhất giúp bạn tránh khỏi các đòn đá tầm trung và đá cao, chịu nhiều va chạm nhất. Nếu khả năng né còn yếu kém, cùi chỏ sẽ phải hoạt động liên tục và tiếp nhận toàn bộ lực của các đòn đá.
Phòng tránh : khi gặp các đòn đá mạnh, hãy học cách giật lùi (lean back), gạt (parry) thay vì dùng cùi chỏ để đỡ toàn bộ chúng.
Cùi chỏ được mệnh danh là khu vực cứng rắn và nguy hiểm nhất trên cơ thể, song không phải cứ dùng chỉ để tự vệ là an toàn
7. Chấn thương cơ chân
Những cú đá thấp "đá đến đâu, thấm đến đấy" đã làm nên thương hiệu của Muay Thái. Thật sự bị tấn công bằng low kick không quá tệ, song những va chạm khi trong tâm thế chưa chuẩn bị đón nhận sẽ khiến chân của bạn sẽ không siết lại kịp thời để đón nhận cúđá, các cơn đau sau những tình huống như vậy mới thật sự nghiêm trọng.
Phòng tránh: Hãy tập đỡ các cú lowkick, để chân trong tình trạng sẵn sàng. Ngoài ra, tập sử dụng các bài tập cho cơ chân để giúp đôi chân có nền tảng cơ bắp tốt.
Ngoài các chấn thương kể trên, còn rất nhiều dạng chấn thương khác bạn sẽ gặp phải khi tập luyện Muay Thái, bài viết chỉ đề cập đến các chấn thương phổ biến nhất để bạn biết cách phòng tránh và tập luyện phù hợp.